Bốn cây cầu Hy vọng được khởi công sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện, an toàn cho hàng nghìn người dân các xã tại huyện Châu Phú và Tri Tôn.
Sau khi khảo sát, Quỹ Hy Vọng đã phối hợp với địa phương khởi công xây dựng 4 cây cầu Hy vọng tại huyện Tri Tôn và Châu Phú, thay thế cầu Kênh 10, cầu Biên Giới, cầu Mương Cao đã xuống cấp, và xây mới cầu Kênh Ranh – Vĩnh Hiệp, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Trong đó, cầu Hy vọng 180 – cầu Kênh 10 Cần Thảo có chiều dài 46m, rộng 4,4m; cầu số 167 – Cầu Biên giới Vĩnh Hòa và cầu số 168 – Cầu Kênh ranh Vĩnh Hiệp có diện tích 30 x 3,5m; cầu số 169 – Cầu Mương Cao là 29 x 3,5m. Tổng kinh phí xây dựng 4 cây cầu trị giá trên 3,5 tỷ đồng. Quỹ Hy vọng và BEST Express Việt Nam tài trợ 450 triệu đồng, nguồn lực còn lại được vận động xã hội hóa và nguồn đối ứng của địa phương.
Đại diện đơn vị đồng hành, ông Nelson Wu, CEO BEST Express Việt Nam chia sẻ: “Bằng việc hỗ trợ địa phương xây thêm những cây cầu kiên cố, BEST Express Việt Nam mong muốn không chỉ tạo điều kiện cho người dân đi lại an toàn mà còn góp phần thúc đẩy địa phương phát triển hơn về kinh tế, du lịch và hoạt động vận chuyển hàng hóa. Bà con ĐBSCL an toàn thì chúng tôi cũng yên tâm phục vụ”.

Ông Nguyễn Văn Chính – Phó chủ tịch xã Vĩnh Gia (thứ 2 từ trái qua) – đại diện địa phương tiếp nhận tài trợ xây cầu từ BEST Express. Ảnh: CTV.
Được xây dựng năm 2010, cầu Kênh 10 – Cần Thảo là cầu dây văng làm từ trụ bê tông và các kết cấu sắt, nằm tại xã Ô Long Vỹ, huyện Châu Phú. Trải qua nhiều mùa mưa gió, các trụ bê tông đã trở nên xiêu vẹo. Những thanh sắt thưa bắc ngang mặt cầu nay cũ rỉ, lồi lõm, chỗ còn, chỗ mất.
Ông Tô Thanh Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Ô Long Vỹ, cho biết, cầu Cần Thảo có vị trí quan trọng trong việc phát triển kinh tế, đời sống xã hội của địa phương, do kết nối một bờ gồm ấp Long Thịnh, Long Hưng với bờ bên kia là ấp Long Phước, Long Phú, với khoảng 400 hộ, tương đương gần 2.000 người dân địa phương đi lại.

Thực trạng cầu Kênh 10 – Cần Thảo. Ảnh: CTV.
Tuy nhiên, cầu Kênh 10 giờ đã hư hỏng, trở nên gập ghềnh khó đi. Cộng với độ dốc cao, dây văng xuống cấp, cầu rung lên mỗi khi xe chở nông sản vài trăm ký đi qua. Trơn trượt, lại mất thăng bằng vì cầu đung đưa, không ít xe máy chở trái cây, rau củ quả của bà con trong ấp, trong xã bị té ngã khi qua cầu. Các em học sinh cũng không an tâm khi đến trường vào mùa mưa lũ.
Cách đó trong bán kính khoảng 50 km, cầu Biên Giới (giáp ranh Campuchia) thuộc xã Vĩnh Gia và cầu Mương Cao – Tân Lợi, xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn có hiện trạng không khác cầu Kênh 10 là mấy. Những mấu sắt ở lan can dù trải qua nhiều lần tu sửa vẫn không tránh khỏi tình cảnh hoen rỉ, bong tróc vì mưa nắng.

Cầu Biên Giới – Vĩnh Hòa đã hoen rỉ theo thời gian. Ảnh: CTV.
Ông Nguyễn Văn Chính – Phó chủ tịch xã Vĩnh Gia, cho biết cầu Biên Giới xây từ năm 2012, ở khu đất mềm nên còn có hiện tượng sụt lún, cản trở giao thông cho ghe thuyền phía dưới. Điều đó gây khó khăn cho khoảng 250 hộ dân xung quanh, nhất vào vào mùa mưa trơn trượt.
Nhưng may mắn ở đó còn có cầu, tại Kênh Ranh – Vĩnh Hiệp, người dân phải đi đường vòng, thậm chí dùng thùng phi hoặc phao để đi tắt qua đoạn sông nhằm rút ngắn 40 phút di chuyển, theo ông Chính.
“Chúng tôi rất mong sao cầu mới sớm hoàn thành để người dân qua lại vận chuyển hàng hóa, phân bón, đáp ứng nhu cầu canh tác và đi lại của địa phương”, một người dân Vĩnh Gia chia sẻ.
Từ khi thực hiện năm 2018, chương trình cầu Hy vọng với chủ đề Nâng bước em tới trường đã hoàn thành 43 cây cầu tại An Giang. Quỹ sẽ tiếp tục khởi công xây dựng những cây cầu mới tại Đồng Tháp, Cần Thơ với sự đồng hành của BEST Express Việt Nam – ủng hộ 1 tỷ đồng xây cầu Hy vọng ở đồng bằng sông Cửu Long.
Những cây cầu Hy Vọng được đánh giá không chỉ đảm bảo kết nối giao thương thuận lợi, rút ngắn khoảng cách di chuyển giữa các xã/ấp, giúp học sinh và người dân đi lại dễ dàng, mà còn tạo diện mạo mới cho vùng nông thôn tại tỉnh An Giang và các tỉnh miền Tây.
Quỹ Hy vọng